viem-phoi-nhung-dieu-me-can-biet
Viêm phổi – Những điều mẹ cần biết
Vào những ngày cuối tháng 12, thời tiết trở lạnh nên có rất nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện do bị viêm phổi. Một thực tế đáng lo ngại là nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng bênh trở nặng, đặc biệt là trẻ bị bệnh viêm phổi nặng phải dùng máy thở. 

Bệnh viêm phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Số ca tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi trên toàn thế giới đã giảm 50% kể từ năm 1990, từ 12,7 triệu xuống còn 6,3 triệu trẻ chết vào năm 2013. Hiện nay, bệnh viêm phổi vẫn là bệnh truyền nhiễm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em nên chính phủ các nước đang rất nỗ lực để tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do viêm phổi.


Để phòng tránh và đảm bảo an toàn cho trẻ trước căn bệnh này, các bà mẹ nên biết các điều này:


1. Không nên ủ ấm trẻ quá kỹ vì ủ quá kỹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh viêm phổi


Vào mùa đông, thời tiết trở lạnh, hầu hết các bà mẹ đều ủ ấm cho trẻ một cách cẩn thận bằng nhiều lớp áo quần. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức cho trẻ có thể sẽ gây bệnh cho trẻ nhỏ. Phần lớn các mẹ đều không biết, thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn. Trẻ sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn người lớn. Trẻ thường hay chạy nhảy, chơi đùa nên dễ bị nóng, toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Vì vậy, nếu mẹ mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, gây ướt quần áo. Nếu bố mẹ không sớm nhận thấy điều đó, thì trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi. 

 

Viêm phổi – Những điều mẹ cần biết


Do đó, trong mùa đông, các mẹ chỉ nên mặc đủ ấm cho trẻ, chọn các loại quần áo sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt. 


2. Triệu chứng khi trẻ bị viêm phổi


- Trẻ sốt cao và kéo dài: Sốt cao có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao kéo dài trong 2-3 ngày liền thì lại là triệu chứng viêm phổi. 


- Nhịp thở gấp, nhanh so với lứa tuổi: Đây là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi: Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên. Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên là thở nhanh.


- Co rút lồng ngực khi thở: Đây là triệu chứng của trẻ đã bị viêm phổi nặng. Bố mẹ nên quan sát kỹ con em mình để phát hiện bệnh nhanh nhất là nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm vào khi trẻ hít vào. Nếu chỉ phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.


- Cơ thể tím tái: Tím tái là biểu hiện cơ thể trẻ, có thể nhận biết triệu chứng ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân có biểu hiện da nhợt nhạt và tím lại thì đó là dấu hiệu của rối loạn hô hấp. Trẻ có hiện tượng này có nghĩa là đang bị viêm phổi nặng. Trường hợp này, nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời rất dễ để lại biến chứng, thậm chí là tử vong.


- Trẻ khó thở, thở khò khè, đau ngực, có thể đau ít hoặc nhiều, môi khô, kèm theo mệt mỏi chán ăn.


3. Trẻ bị suy dinh dưỡng rất dễ bị viêm phổi  


Điều này là do suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, ngăn không cho cơ thể chiến đấu lại căn bệnh này. Do đó, các mẹ cẩn phải đảm bảo cho trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ được khỏe mạnh để chống trọi tốt với các virus gây bệnh.


4. Tiến triển của bệnh viêm phổi thường diễn ra rất nhanh


Bệnh này do vi khuẩn và virus thường lây qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng người bệnh. Bệnh có thể lây khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vào người khác, hoặc qua dùng chung ly uống nước và dụng cụ đựng thức ăn, sờ vào khăn giấy hoặc khăn tay mà người bệnh đã sử dụng… Do đó, khi có người bị bệnh viêm phổi, người lớn nên chú ý phòng tránh cho trẻ nhỏ.


5. Cách phòng tránh bệnh viêm phổi cho trẻ nhỏ


Nhiều bà mẹ buộc phải chấp nhận thực tế con tái phát viêm phổi như điều không thể thay đổi được. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, hoàn toàn có thể ngăn ngừa tái phát viêm phổi dễ dàng bằng những cách sau:


- Cho trẻ bú sữa mẹ cho đến khi được 18 - 24 tháng, đồng thời chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.


- Thực hiện tiêm chủng (vắc – xin) là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ nhỏ. Đảm bảm môi trường sạch sẽ nơi trẻ sống và người chăm sóc trẻ luôn phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch.