Mỗi sự phát triển của con dù lớn hay nhỏ cũng đều là niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trong hành trình đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn băn khoăn không biết con mình có thực sự khỏe mạnh, đạt chuẩn chiều cao và cân nặng hay không. Trẻ 4 tuổi cao bao nhiêu là đạt chuẩn cũng là một trong những thắc mắc như thế. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Nhịp sống phụ nữ nhé
Cách tính chiều cao chuẩn cho trẻ 4 tuổi
Tùy vào gen di truyền, cách chăm sóc mà mỗi trẻ sẽ có sự phát triển thể trạng khác nhau. Để nhận biết chính xác con mình có đang phát triển tốt hay không, bố mẹ có thể so sánh cân nặng, chiều cao của con với chuẩn mực chung của các bé cùng độ tuổi, cùng giới tính.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần quá lo lắng nếu các chỉ số của con có vẻ thua kém bạn bè vì mỗi đứa trẻ đều có quá trình phát triển riêng. Mọi chuyện đều ổn nếu bé vẫn phát triển đều đặn theo thời gian.
Nếu được chăm sóc dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ tốt, vào giai đoạn 4 tuổi, bé gái có thể đạt được mức chiều cao chuẩn là 100,3cm, cân nặng 15,4kg. Bé trai đạt chiều cao 102,3cm, cân nặng 16,3kg.
Mỗi tháng, bố mẹ nên kiểm tra chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ, theo dõi xem bé đã lớn được bao nhiêu kg, cao thêm bao nhiêu cm. Nếu trọng lượng và chiều cao của con “đứng im” hoặc tăng không đáng kể, thấp hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi, bố mẹ cần nhanh chóng tìm hiểu các nguyên nhân khiến bé chậm phát triển để kịp thời có phương án chăm sóc phù hợp.
Làm gì để trẻ 4 tuổi tăng chiều cao nhanh?
Ở giai đoạn 4 tuổi, mỗi tháng bé có thể tăng khoảng 100-200g, cao thêm từ 0,5 – 1cm. Sau 1 năm, bé có thể tăng thêm khoảng 2kg, cao thêm 5cm. Nếu được chăm sóc tốt, bé sẽ có được sức khỏe tốt, cân nặng và chiều cao đạt chuẩn. Để con khỏe mạnh và có được thể trạng tốt nhất, bố mẹ cần chú ý một số vấn đề quan trọng sau đây:
Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của con trong giai đoạn 4 tuổi cần đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu: Protein, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Lúc này, trẻ đã hình thành được thói quen ăn uống tự lập, có thể chủ động thể hiện mình thích ăn gì và không thích ăn gì.
Nhưng không phải món ăn nào bé thích cũng đều giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Do đó, bố mẹ không nên chiều theo sở thích của con, cho con ăn những món mình thích, việc này sẽ khiến bé có nguy cơ bị béo phì, sâu răng, tác động tiêu cực đến sức khỏe, cân nặng, chiều cao của trẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên ép con ăn theo mong muốn của mình, có thể khiến trẻ chán ăn, sợ ăn và tủi thân vì cho rằng bố mẹ không hiểu mình, không thương mình.
Thay vào đó, các bạn nên dành thời gian giới thiệu, chia sẻ về lợi ích các món ăn đối với sức khỏe của bé, loại thực phẩm nào tốt, loại thực phẩm nào không tốt.
Phương pháp này vừa bổ sung dinh dưỡng đa dạng cho trẻ, vừa giúp tăng sự tương tác giữa bố mẹ và con cái. Bên cạnh 3 bữa chính, mỗi ngày bố mẹ nên chuẩn bị thêm cho trẻ khoảng 2-3 bữa phụ để cung cấp đủ dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để chiều cao phát triển tối đa.
Một số thực đơn dinh dưỡng giúp trẻ 4 tuổi tăng chiều cao vượt trội
Thực đơn số 1
- Bữa sáng: Một bát phở bò nhỏ + một quả chuối
- Bữa phụ: 1 hũ sữa chua
- Bữa trưa: Cơm + thịt heo ram mặn + đậu cove luộc +canh rau cải nấu tôm
- Bữa phụ: 1 cái bánh giò
- Bữa tối: Cơm + tôm rim + rau bó xôi xào tỏi + bí luộc
- Bữa phụ: Rau câu hoa quả
Thực đơn 2
- Bữa sáng: Một bát hủ tiếu mì thịt
- Bữa phụ: Bắp xào
- Bữa trưa: Cơm + chả cá sốt cà chua + mướp xào +canh bầu nấu tôm
- Bữa phụ: Đậu hủ nước đường
- Bữa tối: Cháo gà + vài miếng lê
- Bữa phụ: Trà lúa mạch
Thực đơn số 3
- Bữa sáng: Bún bò + sữa
- Bữa phụ: Cá viên chiên
- Bữa trưa: Cơm + gà kho nấm + salad + bí xanh nấu tôm
- Bữa phụ: 1 hộp bánh flan
- Bữa tối: Cơm + cá nục kho + rau củ xào + canh đu đủ giò heo
- Bữa phụ: 1 hũ sữa chua
Vận động
Ở giai đoạn 4 tuổi, trẻ có thể di chuyển một cách tự tin, nhảy qua các đồ vật, leo cầu thang thoải mái mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ nữa. Tùy vào sức khỏe, thể trạng của con mà bố mẹ có thể lựa chọn cho con bắt đầu làm quen với một hình thức vận động phù hợp như: Đi bộ, chạy bộ, các bài thể dục nhẹ nhàng, bơi lội, nhảy dây, đạp xe… Đây đều là những phương pháp tập luyện kích thích hệ xương khớp phát triển tốt, chiều cao tăng trưởng nhanh hơn, tăng khả năng phản xạ cho trẻ.
Khi trẻ tập luyện, vui chơi, bố mẹ nên giám sát trẻ kỹ lưỡng, nhắc nhở trẻ nên và không nên làm gì vì ở độ tuổi này trẻ vẫn chưa ý thức được mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh mình. Bên cạnh đó, đừng quên trang bị các thiết bị bảo hộ cho trẻ phù hợp với từng trò chơi: Áo phao khi đi bơi, nón bảo hiểm khi đi xe đạp…
Nghỉ ngơi
Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao tự nhiên. Ở giai đoạn 4 tuổi, mỗi ngày trẻ cần ngủ đủ ít nhất là 11 tiếng mỗi ngày. Đây là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, thực hiện trao đổi chất, nạp năng lượng sau một ngày dài hoạt động.
Thời điểm phù hợp để trẻ đi ngủ là trước 22h, tốt nhất nên vào khoảng 21h. Từ 23h– 01h sáng là khung giờ tuyến yên hoạt động tốt nhất, tiết ra nhiều hormone tăng trưởng kích thích sự phát triển chiều cao diễn ra hiệu quả.
Để con có thể ngủ sâu và ngon giấc nhất, bố mẹ nên chú ý đến không gian phòng ngủ của trẻ, đảm bảo các yếu tố: Rộng rãi, thoáng mát, ít ánh sáng, yên tĩnh.
Trẻ nên được bố trí ngủ riêng, không nên cho ngủ chung với bố mẹ, anh chị em. Việc này vừa rèn luyện tính độc lập vừa giúp trẻ ngủ ngon, thoải mái hơn, tay chân co duỗi mà không bị vướng víu, cản trở, chiều cao tăng trưởng thuận lợi.
Những thói quen xấu cần tránh để trẻ tăng chiều cao
Mọi nỗ lực tăng chiều cao cho con có thể “tan tành” nếu bố mẹ để trẻ hình thành và duy trì các thói quen xấu sau đây:
Uống nước ngọt có ga: Đây là loại đồ uống yêu thích của rất nhiều trẻ em. Vì thương con nên bố mẹ thường cho con sử dụng nước ngọt có ga tùy thích mà không hề cấm cản.
Tuy nhiên, loại nước ngọt này lại gây cản trở rất lớn đến quá trình phát triển chiều cao tự nhiên của trẻ. Trong nước ngọt có ga chứa axit photphoric có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, khiến xương bị thiếu hụt canxi, quá trình tạo xương diễn ra chậm, xương yếu, dễ gãy. Ngoài ra, axit photphoric còn có thể tương tác với axit dạ dày khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, ngăn chặn quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể.
Ăn nhiều đồ ngọt: Bổ sung quá nhiều đường từ bánh kẹo, kem, không chỉ làm gia tăng nguy cơ sâu răng, béo phì mà còn khiến chiều cao của con kém phát triển.
Nguyên nhân xuất phát từ việc thực phẩm nhiều đường, đặc biệt là đường hoá học sẽ khiến quá trình hấp thụ Canxi của cơ thể bị giảm đi đáng kể, hệ xương của yếu ớt, dễ bị tổn thương và chiều cao “dậm chân tại chỗ”.
Sử dụng thiết bị điện tử: Trẻ em hiện đại làm quen với thiết bị điện tử từ khi còn rất nhỏ và thường ngồi im, chơi ngoan khi được bố mẹ cho sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc xem tivi.
Tuy nhiên, chính điều này có thể gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính có thể gây hại cho mắt và ức chế quá trình sản sinh hormone melatonin – loại hormone này có nhiệm vụ giúp cơ thể có giấc ngủ ngon và sâu hơn, tỉnh táo sau khi thức dậy.
Do đó, nếu sử dụng điện thoại thường xuyên, chu kỳ sinh học tự nhiên của cơ thể trẻ sẽ bị thay đổi, trẻ bị khó ngủ, ngủ không ngon giấc, tuyến yên không thể tiết ra đủ lượng hormone tăng trưởng cần thiết, chiều cao kém phát triển.
Bên cạnh đó, trẻ bị nghiện thiết bị điện tử thường lười vận động, ít ra ngoài hay tiếp xúc với bạn bè, sự tương tác giữa bố mẹ và con cái cũng giảm đi đáng kể, điều này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Lo ngại ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nên nhiều bậc phụ huynh cho con ở hẳn trong nhà hoặc che chắn rất kín mỗi khi ra ngoài.
Tuy nhiên, việc không cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ ngăn cản quá trình tổng hợp Vitamin D, kết hợp với một chế độ dinh dưỡng nghèo Vitamin D, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất này.
Trong khi đó, Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể hấp thụ Canxi, giúp Canxi đến xương và thực hiện quá trình tạo xương hiệu quả. Thiếu Vitamin D là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, kém phát triển chiều cao.
Có nên sử dụng thuốc tăng chiều cao cho trẻ 4 tuổi không?
Chỉ sở hữu chiều cao trung bình, lo lắng con mình có thể thấp bé hơn bạn bè, nhiều bậc phụ huynh đang tính toán đến phương án cho con sử dụng thuốc tăng chiều cao ngay từ khi 4 tuổi.
Tuy nhiên, 4 tuổi vẫn là độ tuổi rất nhỏ, mẫn cảm và rất dễ bị tổn thương nếu sử dụng các sản phẩm không phù hợp. Do đó, nếu muốn dùng thuốc tăng chiều cao, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nên lựa chọn các loại thuốc tăng chiều cao uy tín, có công thức khoa học, bổ sung đúng và đủ các dưỡng chất có lợi cho chiều cao nhưng vẫn an toàn đối với sức khỏe, không có tác dụng phụ.
Ở giai đoạn 4 tuổi, chú ý xây dựng thực đơn dinh dưỡng đa dạng, hướng dẫn trẻ vận động đúng cách, nghỉ ngơi hợp lý là phương án tối ưu nhất để vừa hỗ trợ chiều cao phát triển tốt vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trẻ 4 tuổi sở hữu chiều cao và cân nặng đạt chuẩn chính là tiền đề vững chắc cho quá trình phát triển chiều cao ở các giai đoạn sau, đặc biệt là thời kỳ dậy thì, nâng cao cơ hội sở hữu tầm vóc lý tưởng khi trưởng thành.
- Tin liên quan: Công cụ tính chiều cao cân nặng chuẩn