tiet-lo-dong-troi-ve-duong-di-cua-hoa-qua-trung-quoc
Tiết lộ "động trời" về đường đi của hoa quả Trung Quốc
Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, hoa quả Trung Quốc đã dần vắng bóng, tuy nhiên người dân lại được một phen hoang mang với những tiết lộ "động trời" từ những người buôn hoa quả

Chợ dân sinh dần vắng bóng hoa quả Trung Quốc
 

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về hoa quả Trung Quốc tẩm ướp hoá chất độc hại để cả tháng không hỏng, hay phát hiện có dư lượng hóa chất không phép vượt ngưỡng trong nho, táo, cam, quýt Tàu… khiến cho chị em nội trợ ngày càng “khắt khe” hơn khi đi chợ.
 

Nhiều chị em chia sẻ, trước đây ra chợ cứ thấy hoa quả rẻ là mua, thích ăn gì thì mua nấy bất kể hàng Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng giờ đây họ tuyệt đối tránh hoa quả Trung Quốc mặc dù nhìn chúng rất ngon và bắt mắt.
 

tiet-lo-dong-troi-ve-duong-di-cua-hoa-qua-trung-quoc-1

Chị em nội trợ luôn có tâm lý e ngại hoa quả Trung Quốc (Ảnh Internet)


Chị Phạm Thị Trà Dương ở khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Chả phân biệt được loại nào độc hại, loại nào không nên tôi dừng mua hoa quả Tàu gần 4 năm nay rồi”.
 

Bác Hồ Thị Tâm (50 tuổi, Hà Nội) nói: “2 năm nay tôi không còn mua đồ Trung Quốc nữa rồi. Xem ti vi đưa tin mà hãi quá”.
 

Qua khảo sát, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Bưởi (quận Ba Đình), chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… hoa quả Trung Quốc đã dần vắng bóng. Thậm chí có những hàng hoa quả tuyệt đối không có một loại quả Trung Quốc nào.
 

Bà Nguyễn Thị Lệ, chuyên bán hoa quả tại chợ Bưởi thừa nhận: “Sạp của tôi chủ yếu hoa quả Việt Nam, chỉ bán duy nhất táo Trung Quốc nhưng số lượng rất ít, chỉ khoảng 10kg/ngày”.
 

Theo chủ một cửa hàng bán hoa quả ở chợ Thành Công: “Khoảng 5 năm trước, hoa quả Trung Quốc thường chiếm 50% tổng số các loại hoa quả tôi bày bán. Nhưng giờ người dân chê nên tôi cũng hạn chế nhập”.
 

Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng II (Lạng Sơn) - Bà Nguyễn Thị Hà, cho biết mấy năm nay lượng hoa quả Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lạng Sơn giảm đi đáng kể. Bà Hà nói: “Thời điểm hiện tại chúng ta nhập chủ yếu là các loại táo, lê, cam với số lượng trung bình mỗi ngày gần 200 tấn”.

Bị tẩy chay, vậy hoa quả Trung Quốc tìm đường về đâu?
 

Tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất của Hà Nội, xe ô tô tải chở đủ các loại hoa quả Trung Quốc như: táo, lê, cam, nho, dưa,... từ cửa khẩu Lạng Sơn về vẫn đỗ chật lối đi để đổ hàng cho các mối lấy buôn. Còn dân buôn thì tranh nhau mua.
 

tiet-lo-dong-troi-ve-duong-di-cua-hoa-qua-trung-quoc-2

Hoa quả Trung Quốc về chợ đầu mối (Ảnh Vietnamnet)
 

Ông Trương, một đầu mối có thâm niên buôn hoa quả Trung Quốc 15 năm nay tại chợ Long Biên tiết lộ, lượng hoa quả mà ông xuất buôn chỉ giảm số lượng chút ít so với trước: “Trước tôi xuất buôn khoảng 8-9 tấn mỗi đêm thì giờ còn 6-7 tấn. Ở đây, hoa quả Trung Quốc thường không bao giờ ế, từ loại thượng hạng đến hàng hết đát”.
 

Người đàn ông này còn cho biết một tin “động trời”: “Trước đây, các mối tại chợ dân sinh chủ yếu nhập về bán lẻ cho dân, nhưng giờ dân chê không ăn thì các mối chuyển qua phân phối cho nhà hàng, khách sạn”.
 

“Quả ngon thì được chuyển vào khách sạn làm các món tráng miệng, nước ép, sinh tố, chè. Còn những quả thối hỏng một phần thì chuyển qua nhà hàng, quán vỉa hè. Nhiều mối lấy buôn tại chỗ còn chia luôn ra các túi 5kg, 10kg để chở đến các nhà hàng, khách sạn theo đơn đặt hàng”, ông Trương thông tin thêm.
 

Chị Đinh Thị Lan, chuyên nhập hoa quả Trung Quốc phân phối cho các nhà hàng, cho biết: “Cam sành Việt Nam giá 60.000-70.000 đồng/kg, táo Mỹ, Úc thì trên 100.000 đồng/kg trong khi các loại nước ép, sinh tố hoa quả ở nhà hàng giá 50.000-70.000 đồng/ly. Thế nên nếu không chọn hoa quả Tàu để chế biến thì các nhà hàng, khách sạn có lãi rất ít”.