tai-sao-tre-beo-phi-lai-kho-phat-trien-chieu-cao-4302
Tại sao trẻ béo phì lại khó phát triển chiều cao?
Tỷ lệ trẻ em bị béo phì tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn. Béo phì không chỉ khiến trẻ tự ti, ngại ngùng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kìm hãm quá trình tăng trưởng chiều cao tự nhiên.
    1. Cảnh báo hiện trạng béo phì ở trẻ tại Việt Nam hiện nay
    2. Nguyên nhân dẫn đến béo phì
    3. Trẻ béo phì thường khó phát triển chiều cao tối đa
    4. Giải pháp phát triển chiều cao cho trẻ béo phì

Cảnh báo hiện trạng béo phì ở trẻ tại Việt Nam hiện nay

Béo phì là tình trạng cân nặng vượt quá mức so với cân nặng chuẩn tương ứng với chiều cao. Lúc này, mỡ tích tụ quá nhiều làm tổn hại đến hoạt động của các tế bào, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng béo phì với tỉ lệ trẻ mắc béo phì cao hơn mức trung bình của Thế Giới.

Tỷ lệ trẻ béo phì tại nội thành thành phố Hồ Chí Minh đã vượt ngưỡng 50%, tại Hà Nội là 41%. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại không hề biết rằng con mình đang bị béo phì cũng như chưa nhận thức được hậu quả của béo phì đối với sức khỏe của con. Ngoài thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tình trạng béo phì ở trẻ em đang có xu hướng tăng mạnh lại các khu vực đang phát triển như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tỷ lệ trẻ bị béo phì tại Việt Nam đang tăng cao
Tỷ lệ trẻ bị béo phì tại Việt Nam đang tăng cao

Khi kinh tế ổn định, bố mẹ có điều kiện chăm sóc dinh dưỡng cho con tốt hơn. Tuy nhiên, thiếu kiến thức về cân bằng dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm không khoa học đã khiến bố mẹ mắc phải sai lầm khi chăm sóc con cái, khiến các con phải đối mặt với béo phì và vô số hệ lụy về sức khỏe, tinh thần khác.

Nguyên nhân dẫn đến béo phì

Trẻ em bị béo phì do những nguyên nhân sau đây:

- Di truyền: Khi có bố hoặc mẹ, cả bố và mẹ bị béo phì thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, thừa cân dù chế độ ăn uống, vận động sinh hoạt vẫn bình thường.

- Chế độ ăn uống chưa khoa học: Nguyên nhân chính dẫn đến béo phì là chế độ ăn chưa khoa học. Nhiều trẻ em Việt hiện nay yêu thích các thức ăn nhanh: Hamburger, khoai tây chiên, pizza, xúc xích chiên, trà sữa, nước ngọt có ga… đều là những thực phẩm chứa hàm lượng chất béo và đường cao, dễ gây tăng cân. Nhiều bậc phụ huynh bổ sung cho con lượng sữa lớn mỗi ngày. Hàm lượng đạm và chất béo cao trong sữa cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng tăng cân. Sữa dù tốt cho sức khỏe nhưng phải được sử dụng một cách hợp lý, tránh lạm dụng, sẽ ảnh hưởng xấu đến cân nặng và sức khỏe. 

- Lười vận động: Việt Nam nằm trong nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày theo thống kê của tạp chí Y khoa The Lancet (Anh). Việc duy trì chế độ ăn giàu đạm, đường, chất béo nhưng không vận động, tập luyện thể thao khiến năng lượng nạp vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao. Năng lượng dư thừa sẽ bị tích tụ dưới dạng mỡ gây thừa cân, béo phì. Ngoài ra, lười vận động còn khiến cơ thể ù lì, thể lực kém, phản xạ chậm… không tốt cho sức khỏe cũng như quá trình tăng trưởng chiều cao.

Béo phì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ
Béo phì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ

- Sinh hoạt không lành mạnh: Thiếu ngủ thường xuyên thúc đẩy quá trình sản sinh của ghrelin huyết thanh – một loại hormone kích thích cảm giác thèm ăn, khiến chúng ta nhanh đói hơn, ăn ngon miệng và ăn nhiều hơn. Do đó, động viên con ngủ sớm và ngủ đủ giấc là yếu tố quan trọng cần phải thực hiện nếu bố mẹ muốn con có sức khỏe tốt, không gặp tình trạng béo phì. Ngoài ra, nhiều trẻ trong giai đoạn dậy thì muốn chứng tỏ bản thân, bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo nên sử dụng rượu bia, cà phê,… Đây cũng là nguyên nhân gây tăng cân đáng kể vì lượng calo trong rượu, bia, cà phê… tương đối lớn, kích thích hệ tiêu hóa, khiến chúng ta ăn nhiều hơn, cảm giác no đến chậm, kết hợp với những món nhậu nhiều chất béo càng dễ gây tăng cân.

Trẻ béo phì thường khó phát triển chiều cao tối đa

Béo phì không chỉ là yếu tố thẩm mỹ bề ngoài mà còn tác động xấu đến sức khỏe và quá trình tăng trưởng chiều cao tự nhiên. Trẻ bị thừa cân, béo phì tuy cao lớn hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng đến giai đoạn dậy thì, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ chậm hơn, trẻ ngừng cao sớm hơn, dẫn đến thấp lùn khi trưởng thành. Ngoài ra, một vài dẫn chứng thực tế thể hiện mối liên hệ giữa béo phì và thấp lùn như sau: 

- Trẻ béo phì có xu hướng lười vận động: Với khối lượng cơ thể lớn, trẻ béo phì thường nhanh chóng mệt mỏi khi phải vận động thể lực, hệ cơ – xương cũng gặp áp lực lớn hơn mỗi khi vận động, tăng nguy cơ chấn thương. Do đó, những người bị béo phì thường có xu hướng lười vận động, thụ động, kết hợp với chế độ ăn nhiều, năng lượng nạp vào lớn, tiêu hao ít càng khiến tình trạng béo phì nghiêm trọng. Mặt khác, vận động có thể chi phối đến 20% quá trình phát triển chiều cao. Nếu lười vận động, trẻ đã bỏ lỡ 1/5 cơ hội cao lớn của mình.

- Xu hướng ăn uống sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm: Chất béo, chất đạm dù đều là những nhóm chất cơ bản, cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn thiên về các thực phẩm chứa 2 nhóm chất này mà bỏ qua vitamin, khoáng chất, chiều cao không thể phát triển tối đa. Trong cấu tạo của xương, Canxi chiếm tỉ lệ lớn nhất. Nếu chỉ ăn thực phẩm chứa chất béo, đạm, không bổ sung đủ vitamin và khoáng chất, quá trình tạo xương mới bị ngưng trệ, chiều cao dậm chân tại chỗ. Người béo phì  thường có thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm, béo, thích ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, ít rau xanh… chính chế độ ăn uống không cân bằng khiến cân nặng càng tăng, đồng thời cản trở tăng trưởng chiều cao.

Ăn nhiều thức ăn nhanh có thể khiến trẻ bị béo phì
Ăn nhiều thức ăn nhanh có thể khiến trẻ bị béo phì

- Béo phì dẫn tới dậy thì sớm: Trẻ dậy thì khi cơ thể có đủ lượng hormone leptin cần thiết. Loại hormone này điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản, được tiết ra từ các tế bào chất béo. Do đó, nếu cơ thể tích tụ nhiều chất béo, lượng tế bào chất béo tăng cao sẽ kích thích quá trình sản xuất hormone leptin, từ đó dẫn đến tình trạng dậy thì sớm. Điều này giải thích lý do tại sao trẻ em béo phì thường bị dậy thì sớm. Trong khi đó, dậy thì sớm được đánh giá là một trong những tác nhân gây hạn chế chiều cao. Trẻ dậy thì sớm có ít thời gian để phát triển chiều cao hơn so với trẻ dậy thì ở độ tuổi thông thường, từ đó khiến chiều cao của các em thấp hơn bạn bè cùng trang lứa khi ở độ tuổi trưởng thành.

Giải pháp phát triển chiều cao cho trẻ béo phì

Trẻ béo phì bên cạnh việc chú ý khống chế cân nặng ở ngưỡng phù hợp còn cần phải áp dụng các giải pháp thúc đẩy chiều cao tăng trưởng tốt để không bị thấp lùn khi trưởng thành.

Tuyệt đối không được nhịn ăn, bỏ bữa: Để giảm cân, nhiều trẻ trong giai đoạn dậy thì (đặc biệt là bé gái) thường nhịn ăn, bỏ bữa liên tục. Việc này gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển chiều cao tự nhiên. Nhịn ăn liên tục, đồng nghĩa với không có năng lượng, các tế bào bị suy yếu, cơ thể không có năng lực để học tập, làm việc. Đặc biệt, thiếu hụt dinh dưỡng, nhất là các dưỡng chất cần thiết cho xương như: Canxi, Magie, Phốt Pho, Kẽm…, chiều cao không thể phát triển được. Do đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu ý là ăn đủ và đúng bữa, không bỏ bữa, lựa chọn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất nhưng ít chất béo, hạn chế đường. Tốt nhất nên liên hệ và thực hiện theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp điều chỉnh cân nặng về ngưỡng hợp lý
Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp điều chỉnh cân nặng về ngưỡng hợp lý

Vận động thể thao hằng ngày: Vận động thể dục thể thao hằng ngày giúp thúc đẩy quá trình khoáng hóa và mô hình hóa xương khớp, hệ xương chắc khỏe, dẻo dai, đốt cháy năng lượng, giảm mỡ thừa, vừa tốt cho chiều cao vừa tốt cho cân nặng. Các bạn nên dành khoảng 45 phút – 1 tiếng/ngày để tập luyện các bộ môn thể thao như: Bơi lội, chạy bộ, nhảy dây, bóng chuyền, bóng rổ, yoga…

Ngủ sớm và đủ giấc: Giấc ngủ và môi trường sống tác động khoảng 25% sự phát triển chiều cao. Ngủ sớm và đủ giấc giúp tuyến yên sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng, thúc đẩy chiều cao tăng nhanh. Mỗi ngày, cần ngủ đủ 8 tiếng, ngủ trưa từ 15 – 20 phút. Phòng ngủ cần rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ thì giấc ngủ mới ngon và sâu. 

Tránh xa các chất kích thích, đồ uống có ga: Chất kích thích, đồ uống có ga vừa tác động xấu đến sự phát triển chiều cao, vừa khiến tình trạng béo phì càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, cần nhanh chóng loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống. Thay vào đó, các bạn nên lựa chọn nước lọc, các loại sinh tố, nước ép trái cây tươi để chăm sóc làn da, vóc dáng và tốt cho quá trình phát triển chiều cao.

Cân nặng có thể điều chỉnh được nếu tuân thủ chế độ ăn uống, vận động, sinh hoạt khoa học. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có khoảng 20 năm đầu đời để phát triển chiều cao. Do đó, nếu có con đang bị béo phì, bố mẹ cần chú ý cân đối giữa 2 mục tiêu: Kiểm soát cân nặng và tăng chiều cao, không nên vì ép cân mà cản trở sự phát triển chiều cao.