Ý nghĩa của phong tục cúng thôi nôi
Cúng thôi nôi là một trong nhiều nghi lễ quan trọng đầu tiên trong cuộc đời mỗi người, đồng thời cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam trong việc nuôi dạy con đã và đang được gìn giữ tới ngày nay.
Đây là tục lệ dân gian mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu, thể hiện truyền thống văn hóa, bản sắc của gia đình - xã hội. Bên cạnh đó, lễ thôi nôi còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa sau này, những ước mong của người làm mẹ dành cho con trong tương lai.
Thôi nôi là nghi lễ quan trọng đầu tiên của bé
Lễ thôi nôi không chỉ là phong tục thông báo với các vị thần, tổ tiên rằng đứa trẻ đã được 1 tuổi mà còn góp phần chứng tỏ với mọi người trẻ đã bắt đầu lớn, bắt đầu có thể tự hoạt động không cần sự hỗ trợ quá lớn từ mẹ nữa, là một thực thể thực sự tồn tại trong cộng đồng.
Cách cúng thôi nôi chuẩn miền Nam
Cách cúng thôi nôi miền Nam nghiêng về các mẹ đỡ đầu, với mong muốn con mình nhiều sức khỏe và may mắn với các mâm cúng:
Mâm cúng Thần tài – Thổ địa
Mâm cúng Ông Táo
Mâm cúng 12 Mụ Bà và Đức Ông
Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn và rượu, trà, hoa quả trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.
Danh sách các món dưới đây cho mỗi loại mâm cúng:
Mâm cúng Thần tài – Thổ địa & Mâm cúng Ông Táo:
1 đĩa trái cây ngũ quả nhiều màu sắc
1 chén chè đậu xanh
1 đĩa xôi đậu xanh hoặc xôi gấc
1 bộ tam sên gồm thịt, trứng, tôm hoặc cua; đặc biệt với cua, tuyệt đối không chọn con sứt mẻ, gãy càng. Mọi thứ trên mâm cúng cần phải chỉn chu, tươm tất.
3 ly nước, hoa, hương để thắp.
Mâm cúng 12 Mụ Bà
Mâm cúng 12 Mụ Bà và Đức Ông:
1 con gà luộc nguyên con, đầy đủ các bộ phận. Lưu ý đặt gà lên đĩa với thế đàng hoàng, đầu ngẩng cao.
1 đĩa trái cây
12 đĩa xôi nhỏ kèm 1 đĩa xôi lớn
12 chén chè, 12 chén cháo
Nước hoặc rượu trắng, hoa và hương để thắp
Bộ giấy tiền cúng thôi nôi, chén, đũa, muỗng, đặc biệt nên có 1 đôi đũa hoa bởi theo quan niệm dân gian, Bà Mụ thích dùng đũa này.
Phía trong nhà, gia đình sẽ bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành Hoàn Bốn Cảnh, mâm cúng Cửu Huyền Thất Tổ và mâm cúng Ông Bà quá vãng. Lễ vật là những thức ăn chín phù hợp với tập quán mỗi địa phương. Kế bên bày 12 chén chè, xôi và một con vịt luộc chín với 3 chén cháo. Thêm vào đó là bộ giấy tiền cúng thôi nôi, mẹ có thể tìm mua ở những cửa hàng chuyên bán giấy tiền vàng bạc.
Trong lễ cúng thôi nôi của Nam Bộ không thể thiếu lễ khấn cúng Cửu Huyền Thất Tổ và mâm cúng Ông Bà quá vãng, nội dung cơ bản giống như lời khẩn ghi cúng đất đai, thổ công thổ chủ, chỉ thay đổi đối tượng được thỉnh mời.
Kết thúc ba tuần rượu và một tuần trà, gia đình sẽ tiến hành thực hiện nghi thức “trẻ chọn đồ” bằng cách bày những vật dụng phù hợp trên bàn. Sau đó, đặt trẻ ngồi trước các vật dụng để trẻ tự lựa chọn như: Gương, lược, viết hay tập sách, nắm xôi, tiền… Vật nào được trẻ chọn đầu tiên được xem là sự chọn lựa của cháu về nghề nghiệp tương lai cho mình.
Sau khi kết thúc nghi thức này, khách mời thực hiện nghi thức chúc mừng và lì xì cho cháu bé. Nghi lễ kết thúc, thì tiệc mừng bé tròn một tuổi được bắt đầu.
Khi đến tham dự tiệc thôi nôi của bé, bạn nên chuẩn bị cho bé những món quà nhỏ như quần áo, mũ, vớ…. Trang phục cho bé cần làm từ các chất liệu thoáng mát, mềm mại hay màu sắc tươi sáng với những chi tiết ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Bên cạnh đó, tặng một chiếc xe tập đi trong bữa tiệc thôi nôi của bé là một món quà đầy ý nghĩa và rất phù hợp. Hoặc bạn có thể mua những vật phẩm mà trẻ vẫn thường dùng như sữa, tã lót, khăn giấy và sữa bột….
Mỗi vùng miền có những lễ nghi cúng thôi nôi cho bé khác nhau, tuy nhiên đều rất đầy đủ, chỉn chu mang đặc trưng của lối sống, phong cách vùng đất, con người của mình. Khám phá các phong tục này giúp mỗi người chúng ta có thêm những trải nghiệm, kiến thức hữu ích, thú vị về đất nước và con người Việt Nam.
Theo báo phụ nữ online.