Đến với vùng đất Thanh Hóa, bạn không chỉ được vi vu tới những địa điểm tuyệt vời như Suối Cá Thần (Cẩm Thủy), Sầm Sơn, Pù Luông (Bá Thước)… mà còn được thưởng thức những món ăn ngon nổi tiếng, đã thành thương hiệu mỗi khi nhắc tới Thanh Hóa.
Nhắc tới đặc sản xứ Thanh, không thể thiếu những món như nem chua, bánh gai, chè lam… nhưng nếu chưa thưởng thức 5 món này, bạn vẫn chưa thực sự đến và hiểu về nơi đây.
Canh lá đắng
Cây lá đắng là loại cây mọc trong rừng, cũng như tên gọi của nó, lá cây có vị đắng. Khi đã trở nên phổ biến, cây đắng được mang về trồng ngay tại vườn nhà.
Canh lá đắng thường được nấu để chiêu đãi khách quý. Lá đắng thái chỉ nấu cùng lòng mề hoặc thịt băm nhỏ cùng mẻ chua, mắm tôm, sả, hành khô phi thơm và chút gia vị cho đậm đà. Khi nồi canh đã bắt đầu sôi nhẹ, cho thêm chút tiết để tăng thêm hương vị rồi mang ra thưởng thức.
Canh đắng phải được ăn nóng, những bát canh hôi hổi ăn cùng bánh đa giòn tan là hai thứ không thiếu. Những người mới ăn lần đầu sẽ thấy khó nuốt nổi vì vị đắng ngắt tê tê nơi cổ họng.
Canh đắng là vậy nhưng khi nếu tiếp tục, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt ngọt, bùi bùi của bát nước canh, của thịt, lòng mề hay hương vị lạ lạ, khó hòa lẫn của thứ rau rừng. Ăn thử hai lần, ba lần sẽ dễ bị “nghiện” món canh này.
Chỉ cần 1 nồi canh đắng, 1 chén rượu gạo bên mâm cơm gia đình, húp xì xụp, hưởng đầy đủ hương vị núi rừng xứ Thanh thật thi vị.
Bánh khoái
Những xấp bánh khoái nóng hổi kèm bát nước chấm chua chua cay cay trong những ngày mưa giá rét là món ăn được ưa chuộng và yêu thích nhất ở xứ Thanh. Với những nguyên liệu đơn giản: Gạo tẻ xay nước, giá đỗ, bắp cải, thì là hay sang chảnh hơn là trứng, tép, là đã có những chiếc bánh ngon lành.
Đặc biệt, để tạo ra chiếc bánh khoái ngon, phần rìa bánh ròn giụm mà bên trong vẫn giữ được độ thơm, mềm thì chỉ có thể tráng bằng chảo gang, thêm chút mỡ rồi cho giá đỗ vào trước, bột vào sau và chờ vài phút đã ra ngay chiếc bánh ngon lành.
Bánh được lấy ra ăn nóng, có vị béo ngậy, ngọt của rau và tép. Bánh khoái chỉ cần chấm với nước mắm truyền thống, thêm chút chanh ớt là đủ để cảm nhận hết được cái ngon lành của món ăn. Đến Thanh Hóa, bạn có thể ăn bánh khoái căng bụng mà chưa đến 30 nghìn, bởi ở các vùng quê thì bánh chỉ 1-2 nghìn/chiếc, còn ở khu vực thành phố đắt hơn, khoảng 3-5 nghìn/cái, tha hồ đánh chén.
Nem thính
Nem thính, hay còn gọi là nem nướng Thanh Hóa được làm từ thịt lợn sống trộn với bì cán nhỏ, thính ngô, tỏi, hạt tiêu và một số loại gia vị khác, kết hợp với lá đinh lăng hoặc lá ổi và gói bằng lá chuối để tạo nên hương vị bùi ngùi, đậm đà khi nhậu.
Nem thính được làm tương tự nem chua, tuy nhiên thay vì ăn sau 3 ngày ủ men, nem nướng được cất khoảng 1-2 ngày tùy nhiệt độ rồi đem nướng trong than hồng. Khi nướng vẫn để nguyên vỏ lá chuối đến khi lá cháy xém, nổ tí tách và mùi lan tỏa là được.
Nem thính thường được dùng trong các cuộc nhậu. Vị chua chua của men, mùi thơm của các lớp lá chuối hòa quyện cùng thính ngô, tỏi khiến nhiều người khó cưỡng. Đây là “mồi” chính được yêu thích của các dân nhậu thứ thiệt, thêm vài lon bia nữa thì tuyệt cú mèo. Giá cả cũng không đắt, chỉ từ 25-30 nghìn đồng/chiếc nem.
Bánh cuốn (bánh dẻo)
Bánh cuốn, hay còn được gọi là bánh dẻo, có vị đặc trưng riêng của vùng đất xứ Thanh. Bánh được làm từ bột nước gạo dẻo, mềm mềm dai dai cùng nhân bánh đa dạng như nhân thịt mộc nhĩ, nhân hành, nhân thịt, tôm… Nhân thịt được lựa chọn kỹ càng từ miếng nạc tươi, không dính mỡ, sau đó băm nhuyễn và phi thơm để tạo được độ ngậy, béo.
Bánh cuốn xứ Thanh có đặc trưng riêng khó lẫn. Ảnh: Gcontent.net.
So với bánh cuốn ở các vùng khác, bánh cuốn Thanh Hóa được cuộn thành những chiếc ngắn, dù ăn nguội bánh vẫn dẻo và lôi cuốn thực khách bởi nét riêng của mình. Thông thường, người xứ Thanh sẽ ăn kèm bánh cuốn với bánh xèo hoặc chả nướng, chấm cùng nước chấm chua ngọt và phết thêm ít hành khô lên trên.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa có nguồn gốc từ huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa và được làm từ những hạt gạo ngon nhất, dẻo nhất để tạo hương vị riêng. Gạo sau khi được ngâm trong nước, vớt ra cho ráo và xay thành bột, tất cả các công đoạn đều làm thủ công, từ khâu xay cho tới khi nấu thành hỗn hợp sền sệt.
Bánh răng bừa là sự hòa trộn giữa bột gạo tẻ, thịt ba chỉ, mộc nhĩ và một số gia vị khác vừa đủ. Người ta không luộc mà đem hấp để giữ nguyên vẹn “chất” bánh. Đồng thời, khi gói, người dân nơi đây dùng lá dong rừng hoặc lá chuối để tạo màu tự nhiên, phảng phất hương thơm của vùng quê yên bình, êm ấm.
Bánh răng bừa nhỏ nhỏ xinh xinh bốc mùi thơm nghi ngút của gạo, hành mỡ không quá ngán cho các thực khách. Đặc biệt, khi để nguội bánh không bị nhão mà sần sật, dai dai ngon không kém gì khi thưởng thức nóng.