Đây là lần đầu tiên NASA tìm thấy một số lượng các hành tinh nằm trong vùng có thể duy trì sự sống lớn đến vậy.
1h sáng ngày 23/2/2017 (tức 13h ngày 22/2/2017 giờ New York), NASA đã tổ chức một buổi họp báo, công bố "một phát hiện quan trọng vượt xa hệ Mặt trời".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature và kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử, họ tìm ra một... Hệ Mặt trời mới cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Hệ này có 7 hành tinh với kích cỡ tương đồng như Trái đất.
Tất cả xoay quanh ngôi sao TRAPPIST-1 (đặt tên theo đài quan sát Trappist tại Chile), trong đó ít nhất 3 hành tinh nằm trong vùng Goldilock - khoảng cách vừa đủ để duy trì nước dạng lỏng, tức nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh.
TRAPPIST-1 và 7 hành tinh xoay quanh.
Phát hiện này có thể nói là một kỷ lục về số lượng hành tinh nằm trong vùng có-thể-nuôi-dưỡng-sự-sống (sau đây gọi là vùng khả dưỡng) bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng có thể cả 7 hành tinh đều có nước dạng lỏng - tuỳ theo điều kiện khí hậu. Nhưng có lẽ, tỉ lệ cao nhất vẫn là 3 hành tinh kể trên.
"Phát hiện này có lẽ là một mảnh ghép quan trọng trên hành trình đi tìm một thế giới mới cho loài người, nơi nuôi dưỡng được sự sống" - Thomas Zurbuchen, đồng quản trị nhóm Nhiệm vụ khoa học của NASA tại trụ sở Washington cho biết. "Trả lời được câu hỏi "con người có cô độc" hiện đang là ưu tiên lớn nhất của khoa học, và việc tìm ra số lượng lớn các hành tinh trong vùng khả dưỡng là một bước tiến quan trọng để hoàn thành ưu tiên này".
Được biết, TRAPPIST-1 là một ngôi sao lùn đỏ thuộc chòm sao Bảo Bình. Ngôi sao này có nhiệt độ thấp hơn và màu sắc đỏ hơn Mặt trời của chúng ta rất nhiều, nhưng kích cỡ chỉ lớn hơn sao Mộc một chút. Nhờ vậy, nước sẽ có khả năng tồn tại trên các hành tinh với quỹ đạo rất gần với nó.
7 hành tinh đầy tiềm năng của NASA
Vào tháng 5/2016, các chuyên gia sử dụng đài quan sát Trappist đã tìm ra 3 hành tinh thuộc hệ sao này. Và nay với sự trợ giúp của Spitzer, các chuyên gia xác nhận sự tồn tại của 2 hành tinh, đồng thời tìm ra thêm 5 hành tinh khác, nâng tổng số tinh cầu của hệ sao này lên con số 7.
Cũng dựa vào các dữ liệu từ Spitzer, nhóm nghiên cứu đã tiến hành ước lượng kích cỡ và khối lượng của cả 6 hành tinh đầu tiên. Kết quả cho thấy, đó là những hành tinh có bề mặt rắn - giống như Trái đất.
Riêng hành tinh số 7 xa nhất hiện vẫn chưa xác định được, nhưng các chuyên gia tin rằng hành tinh này là một "thế giới băng giá". Và việc chúng có nước hay không sẽ cần thêm nhiều quan sát trong tương lai.
Thế giới băng giá trên hành tinh số 7
"7 hành tinh xoay quanh TRAPPIST-1 là những hành tinh hình thành được một hệ sao đầu tiên được tìm thấy bên canh Hệ Mặt trời," - Michael Gillon, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết. "Đây là cũng là những mục tiêu khả dĩ nhất để nghiên cứu về một thế giới nuôi dưỡng được sự sống giống như Trái đất".
Theo quan sát, tất cả 7 hành tinh xoay quanh TRAPPIST-1 đều gần hơn khoảng cách từ sao Thủy đến Mặt trời (hành tinh gần Mặt trời nhất chính là sao Thủy). Bản thân các hành tinh này cũng rất gần nhau, đến nỗi nếu có cơ hội được đứng trên bề mặt của một trong số này, bạn sẽ quan sát được một đặc điểm địa chất của các hành tinh lân cận. Chúng trông sẽ còn to hơn các siêu trăng trên bầu trời Trái đất.
Các chuyên gia cũng đặt ra một khả năng rằng những hành tinh này không tự quay. Tức là một mặt của hành tinh sẽ luôn là ngày, hoặc là màn đêm vĩnh cửu. Điều này cũng có nghĩa môi trường và thời tiết ở đó sẽ không giống như Trái đất, bao gồm những cơn gió cực mạnh, và sự thay đổi nhiệt độ quá mức.
Nhưng nhìn chung với TRAPPIST 1, các nhà khoa học vũ trụ đã có những bước tiến cực lớn trong thập kỷ kế tiếp, nơi các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu vùng khí hậu của những hành tinh này.