Hãy tham khảo bài viết sau đây của Tạp chí phụ nữ nhé!
Nguyên nhân dẫn đến phù nề trong quá trình mang thai
Phù chân hay còn gọi là “máu xuống chân” là hiện tượng thường gặp ở 75% chị em phụ nữ khi mang thai. Triệu chứng này sẽ khiến cơ thể trở nên nặng nề, khó di chuyển và tạo cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Phù nề chân là tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu trong những tháng cuối thai kỳ
Một trong các nguyên nhân chính khiến mẹ bị chứng phù chân là do sự sản sinh của hormone Relaxin. Hormone này sẽ khiến các dây chằng ở chân giãn ra và trở nên lỏng lẻo hơn, khiến bàn chân của mẹ lớn hơn.
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ tự động đẩy mạnh khả năng sản xuất máu và chất lỏng, khiến vùng bụng và nhiều bộ phận khác có thể "nở rộng" ra để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Chính điều này, sẽ khiến bạn thấy chân mình sưng phù lên.
Trong một số trường hợp, việc tăng cân cũng có thể ảnh hưởng tới kích thước bàn chân của mẹ bầu. Trong thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai, trọng lượng của mẹ có thể tăng từ 9- 12 kg, thậm chí có mẹ tăng gần 20kg. Sự tăng vọt về cân nặng sẽ gây sức ép lên đôi chân, làm chân to hơn.
Ngoài ra, sưng tay chân cũng xuất phát từ sự gia tăng áp lực trong các tĩnh mạch. Càng về những tháng cuối, thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được.
Các bác sĩ cũng cho biết thêm rằng nhiệt độ, thời tiết hay các hoạt động thể chất cũng có thể tác động tới bàn chân của mẹ. Bàn chân cũng có thể thay đổi hình dạng và tăng kích thước đến 5% tùy thuộc vào mẹ đang đi bộ, ngồi hoặc đứng và trong thời gian bao lâu.
Mẹo hay giúp giảm phù nề đôi bàn chân cho mẹ bầu
Để giảm thiểu tình trạng phù nề chân và giúp những tháng cuối thai kỳ trở nên thoải mái hơn, các mẹ đừng nên bỏ qua những mẹo cực hay dưới đây nhé:
Lựa chọn cẩn thận giày đi trong thời gian mang thai: Những bà mẹ trẻ lần đầu mang thai thường hay bỏ qua vấn đề này và mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn size giày dép. Việc mang giày quá chật sẽ khiến chân càng phù hơn, thậm chí còn gây nên chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân. Do đó, mẹ nên chọn cỡ giày dép sao cho phù hợp với từng thời kỳ thai kỳ. Hãy “tạm biệt” những đôi giày cao gót trong một thời gian và “làm bạn” với những đôi giày búp bê đế thấp.
Uống đủ nước: Uống nhiều nước không chỉ giúp hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu... hoạt động tốt mà còn tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù. Theo khuyến cáo, mỗi ngày mẹ bầu phải uống tối thiểu từ 6- 8 cốc nước.
Uống đủ nước sẽ giúp làm giảm tình trạng phù nề chân ở mẹ bầu
Không đứng quá lâu trong thời gian dài: Đứng quá lâu trong thời gian dài sẽ khiến chất lỏng dồn xuống dưới, điều này đồng nghĩa với việc đôi chân của mẹ sẽ càng bị phù nề nặng hơn.
Tập thể dục đều đặn: Đây là một trong những phương pháp khá hữu hiệu để hạn chế phù chân mà mẹ không nên bỏ qua. Những môn thể thao giúp máu lưu thông dễ hơn mà mẹ nên áp dụng đó là: Yoga, đi bộ, bơi lội…
Chế độ ăn uống cân bằng và khoa học: Hạn chế ăn cay, mặn, uống thức uống có chứa cafein và cồn, đồng thời tăng cường ăn nhiều rau, hoa quả không chỉ giúp giảm phù nề mà còn rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.