Những biểu hiện nhận biết virus Zika?
Virus Zika đang gây lo lắng cho người dân trên toàn thế giới và hiện đang được WHO xếp vào danh sách những dịch bệnh đáng lo ngại nhất. Theo các số liệu thống kê, trong năm 2016, số người nhiễm bệnh tại các châu lục đã tăng lên khoảng 4 triệu người. Riêng tại Việt Nam, do điều kiện sống tại nhiều nơi chưa đảm bảo, các loại muỗi xuất hiện ở khắp nơi nên nguy cơ bùng phát dịch là điều rất dễ xảy đến.
80% phụ nữ mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus Zika
80% phụ nữ mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus Zika và có đến khoảng 75-80% số bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Số còn lại sẽ có các triệu chứng như:
- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, xuất hiện các vết ban đỏ, rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Nếu thấy cơ thể có những thay đổi như trên sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virus, thai phụ nên đến gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm.
Những thai phụ đang sinh sống hoặc có kế hoạch đến thăm một khu vực bùng phát dịch cần được theo dõi Y tế chặt chẽ trong suốt chuyến đi và 2 tuần sau đó. Bà bầu dù sức khỏe vẫn tốt, không hề mệt mỏi hay sốt, các bác sĩ cũng khuyến cáo họ nên siêu âm và tiến hành những xét nghiệm cần thiết. Việc này chính là cách tốt nhất để phát hiện những em bé mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika.
Trên thực tế không một liệu pháp can thiệp nào có thể đảo ngược quá trình phát triển để chữa những khiếm khuyết cho trẻ. Tuy nhiên, việc sớm phát hiện sẽ giúp gia đình có thể chuẩn bị tâm lý, tinh thần và những điều kiện tốt nhất cho trẻ khi ra đời.
Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi virus Zika?
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc tiêm chủng để phòng ngừa hoặc điều trị cho virus Zika. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới WHO đang từng bước phát triển một loại vắc-xin phòng bệnh nhưng vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện và đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất trên cơ thể người.
Để con sinh ra không mắc hội chứng đầu nhỏ, cần phòng chống virus Zika triệt để
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và em bé, bà bầu nên có những biện pháp ứng phó riêng. Chẳng hạn như:
- Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng)
- Phòng muỗi đốt bằng cách: mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài bất kể ngày đêm, dùng kem xua muỗi, nhang đuổi muỗi.
- Phối hợp với các ban, ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, dùng vợt hoặc hóa chất để diệt muỗi.
- Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): các dụng cụ chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín để tránh muỗi sinh sản, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ đang mang thai nên siêu âm 3 lần trong các khoảng thời gian: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.