Nhiều phụ huynh do thiếu kiến thức nên đã không xử lý đúng cách, khiến tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con em mình. Thông tin bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức thức hữu ích cho các bậc phụ huynh, trong tình huống không may con bạn bị bỏng.
Việc cần làm ngay khi bé bị bỏng
Việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm khi bé bị bỏng là han chế tác hại của nhiệt. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch sẽ giúp giảm nhiệt, giảm đau và giảm độ sâu của vết thương.
Sơ cứu khi trẻ bị bỏng
Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da.
Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Bạn không nên lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt.
Tiếp tục biện pháp làm mát vết bỏng bằng nước sạch trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn cũng có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối.
Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… hoặc bất cứ dung dịch nào lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (nếu bé có triệu chứng đau đớn dữ dội).
Sau đó, phụ huynh cần chủ động nhận định mức độ vết thương của bé, nếu da chỉ ửng đỏ hoặc bỏng nhẹ thì chỉ cần chăm sóc tại nhà từ 5 – 10 ngày là có thể hồi phục. Nếu vết bỏng có diện tích lớn, sâu có màu trắng hoặc cháy sém thì rất có thể bé đã bị bỏng sâu tới cơ và xương. Cần nhanh chóng đưa bé đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ thăm khám và tiến hành hỗ trợ điều trị kịp thời, ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thẩm mỹ của bé.
Làm thế nào để hạn chế tai nạn bỏng cho trẻ nhỏ?
Để hạn chế tối đa tai nạn bỏng và những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những vấn đề dưới đây:
Đối với thiết bị điện trong nhà
Tai nạn bỏng do điện vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần lắp các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn, lắp đặt các ổ điện ở trên cao ngoài tầm với của trẻ. Bên cạnh đó, nên sử dụng ổ cắm điện có nắp đậy, khi xảy ra sự cố chập điện thì cần có rơ-le tự ngắt điện. Gia đình cũng cần thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện và các đồ dùng, thiết bị điện như: Bàn là điện, quạt máy, nồi cơm điện… để xem xét có bị hở mạch hay rò rỉ điện hay không.
Lắp các thiết bị điện đúng quy tắc để ngăn ngừa trẻ bị bỏng
Trong khu vực bếp ăn
Bếp nấu ăn cần được bố trí hợp lý, nên đặt bếp lò ở nơi bằng phẳng, ở một độ cao an toàn, ngoài tầm với của trẻ hoặc sử dụng vách ngăn. Trong khi nấu ăn, bạn cần chú ý luôn xoay cán xoong, chảo… vào phía trong. Không cho trẻ em đùa nghịch, chơi ở khu vực đang nấu ăn.
An toàn ở bếp là yếu tố cần được lưu tâm
Chú ý để dụng cụ đựng nước nóng (ấm nước, phích nước) xa ngoài khu vực mà trẻ hay lui tới. Khi đang bưng bê thức ăn mới nấu, nước nóng… cần tránh xa trẻ để tránh va chạm có thể gây bỏng cho trẻ. Kiểm tra kĩ lưỡng nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ sử dụng.
Đối với các vật dụng trong nhà
Phụ huynh cần chủ động cất giữ các chất dễ gây cháy, bỏng tại những nơi ngoài tầm với của trẻ em, tránh để trẻ tiếp xúc những vật dụng có thể gây bỏng như: Bật lửa, diêm quẹt, xăng, hóa chất, cồn.… Các nguồn nhiệt như: Nến, máy sấy tóc, bàn là… phải đặt khỏi tầm với của trẻ em. Đặc biệt, khi dựng xe máy, bạn cần phải quay ống bô xe máy đang nóng vào sát tường. Tránh để trẻ đùa nghịch gần xe máy để hạn chế rủi ro bỏng đáng tiếc.
Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết
Bạn cần cung cấp kiến thức cần thiết để giúp trẻ nhận biết các tình huống có thể bị bỏng trong thực tế. Hãy dạy trẻ biết tránh xa các thiết bị điện, bếp núc nấu nướng và cả ống xả xe máy mới dừng. Đặc biệt, dạy trẻ không chơi gần đường dây dẫn điện hay trèo lên các cột điện. Bên cạnh đó, khi trẻ đã lớn có thể giúp đỡ bố mẹ nấu ăn, bạn cần phải hướng dẫn trẻ những thao tác nấu ăn an toàn.