Không dung nạp lactose là gì?
Đây là tình trạng cơ thể không thể tiêu hóa được lactose khi sử dụng các sản phẩm chứa lactose như sữa, chế phẩm làm từ sữa: Sữa chua, phô mát, bơ…. Người không dung nạp lactose, khi uống sữa, đường lactose trong sữa không thể phân hủy mà được chuyển xuống ruột già. Tại đây, các vi khuẩn sẽ phân hủy lactose thành các chất lỏng, khí, dẫn đến các hiện tượng: Đầy hơi, tiêu chảy, kém hấp thụ dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi.
Cơ thể không dung nạp lactose không nguy hiểm nhưng các triệu chứng bệnh lại khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Nếu vẫn sử dụng các sản phẩm chứa lactose, lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thể chất, sức khỏe.
Nguyên nhân cơ thể không dung nạp lactose ?
Tình trạng cơ thể không dung nạp đường lactose thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Bẩm sinh: Người bị đột biến gen chịu trách nhiệm sản xuất ra men lactase. Lúc này, trẻ gặp tình trạng không dung nạp với đường lactose trong sữa mẹ và các sản phẩm được làm từ sữa bò.
Nguyên nhân thứ phát: Nếu mắc phải các bệnh lý làm phá hủy niêm mạc ruột non như bệnh Crohn, bệnh Celiac, viêm ruột non, chấn thương ruột non sẽ dẫn đến suy giảm sản xuất men lactase, cơ thể không dung nạp được đường lactose trong sữa.
Nguyên nhân nguyên phát: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất hiện nay. Tuổi tác cao khiến quá trình sản xuất men lactose bị ảnh hưởng, lượng men lactose không đủ để tiêu hóa hết đường lactose trong sữa.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể không dung nạp lactose
Nếu mắc chứng không dung nạp lactose, sau khi uống sữa, sử dụng các sản phẩm từ sữa từ nửa tiếng – 2 giờ đồng hồ, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, chuột rút, nôn. Trẻ em không thể dung nạp lactose thường bị viêm da do hăm tã, chậm phát triển chiều cao, cân nặng.
Nhiều người nhầm lẫn giữa tình trạng dị ứng sữa và không dung nạp lactose.Tuy nhiên, đây là 2 hiện tượng khác biệt hoàn toàn trên nhiều phương diện.
Đặc điểm | Không dung nạp lactose | Dị ứng sữa |
Bản chất | Cơ thể không sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ lượng enzyme lactase để tiêu hóa lactose. | Là phản ứng của hệ miễn dịch với một hoặc nhiều loại protein trong sữa. |
Độ tuổi | Bất kỳ độ tuổi nào, thường gặp nhất là trẻ trên 5 tuổi. Người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc phi, người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những nhóm dân tộc khác. | Thường gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi, ít khi tồn tại đến tuổi trưởng thành. Không có tỉ lệ dị ứng sữa khác nhau giữa các chủng dân tộc. |
Triệu chứng | Nôn, buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy. | Phát ban, sưng mặt, môi, lưỡi, đau bụng dữ dội, khó thở, thở khò khè, nôn trớ, cổ và thanh quản sưng, da hơi xanh. |
Cách điều trị | Ngừng sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa kết hợp với thuốc bổ sung Enzyme Lactase | Ngừng sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa kết hợp với thuốc chống dị ứng. |
Làm thế nào khi cơ thể không dung nạp lactose?
Sữa là thức uống dinh dưỡng quen thuộc, bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và quá trình phát triển thể chất. Do đó, nếu gặp tình trạng không dung nạp lactose, bố mẹ cần tìm kiếm các giải pháp dinh dưỡng thay thế khác để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp con yêu khỏe mạnh và phát triển thể chất tối đa.
Sữa hạt: Sữa hạt được sản xuất từ các loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe như: Đậu nành, đậu đỏ, mè đen, hạt sen, hạt óc chó, hạnh nhân, macca… Sử dụng sữa hạt bổ sung các dưỡng chất: Canxi, phốt pho, magie, vitamin A,B,C,D,E cùng nhiều acid béo lành mạnh. Đặc biệt, sữa thực vật không chứa cholesterol, không chứa lactose, không casein, làm đẹp da, hỗ trợ phát triển thể chất, ngăn ngừa nguy cơ béo phì, chống lão hóa…
Thực phẩm tự nhiên: Cơ thể có thể nhận được tất cả các dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm. Việc cần làm là xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học, lựa chọn đúng loại thực phẩm phù hợp với nhu cầu cơ thể. Các bạn cần tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng trong mỗi loại thực phẩm, cách chế biến mỗi loại thực phẩm, món ăn sao cho bảo toàn tối đa dinh dưỡng và hợp khẩu vị của con.
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dạng viên/cốm/siro… chứa các dưỡng chất thiết yếu, tốt cho sức khỏe, phù hợp với trẻ trong từng trường hợp cụ thể: Trẻ suy dinh dưỡng, trẻ chậm phát triển chiều cao, trẻ tiêu hóa kém…. So với sữa và thực phẩm tự nhiên, dinh dưỡng trong thực phẩm bổ sung được đánh giá cao về độ tinh khiến, khả năng hấp thu….
Bố mẹ cũng có thể biết chính xác con được cung cấp những chất dinh dưỡng nào, hàm lượng bao nhiêu, từ đó tính toán và lựa chọn thực đơn dinh dưỡng hợp lý giúp con khỏe mạnh và cao lớn hơn.
Phụ huynh không nên chủ quan với tình trạng không dung nạp lactose. Nếu không được phát hiện và có cách khắc phục hợp lý, trẻ vẫn uống sữa và sống chung với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy… có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, chậm tăng trưởng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Lựa chọn các sản phẩm thay thế là điều cần thiết nhằm giúp con phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.