Kirsty Kawano là một nhà báo người Úc sống ở Nhật Bản đã nhiều năm. Cô thích dành thời gian chăm sóc chồng và hai cô con gái xinh đẹp. Bởi vì sống trong một đất nước có nền giáo dục được đánh giá là vô cùng tiên tiến, đồng thời cũng cực kỳ nghiêm khắc, nên cô vẫn luôn quan tâm và học hỏi cách dạy con kiểu Nhật.
5 điều sau đây là 5 điều mà cô đã học hỏi được từ những người mẹ Nhật Bản. Đó cũng là những điều tốt nhất mà vợ chồng cô dành cho hai con gái của mình.
Thường xuyên cho con đi chơi công viên
Trước khi con gái tôi bước vào mẫu giáo, đến công viên chơi là hoạt động diễn ra hàng ngày của mẹ con tôi. Tại công viên, con tôi chơi các trò được trang bị tại đó như: xích đu, cầu trượt, leo núi, câu cá, và đá bóng. Mẹ con tôi còn chơi tuyết vào mùa đông, nhặt những quả sồi vào mùa thu, tìm xác ve sầu vào mùa hè và ngắm hoa anh đào vào mùa xuân. Công viên dạy bọn trẻ rất nhiều điều. Bởi thế, người ta mới hay nói rằng ra công viên chơi sẽ tăng cường sức khỏe, là cách phát triển thể chất một cách toàn diện cho một đứa trẻ, nó tốt hơn nhiều so với các lớp học thể dục chuyên biệt. Đối với con gái tôi, điều này hoàn toàn đúng.
Công viên là nơi trẻ em học được nhiều điều thú vị. Không những phát triển thể chất, trẻ còn học được các kỹ năng xã hội như kết bạn, chơi cùng nhau...
Song song với sự phát triển của con gái, các cha mẹ Nhật ở công viên còn dạy tôi một “chiến thuật” để đối phó lại với việc con không hợp tác khi tôi yêu cầu về nhà. Những ngày đầu, tôi vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của con khi tôi đột nhiên yêu cầu “Không chơi nữa. Chúng ta đi về nhà nào. Ngay bây giờ”. Nhưng sau đó, tôi đã thay đổi. Khi gần đến giờ về, tôi sẽ giơ 10 ngón tay lên và nói: “Mẹ con mình sẽ chơi trong vòng 10 phút nữa thôi nhé”. 5 phút sau, tôi lại giơ 5 ngón tay lên và bảo: “5 phút nữa là mình về nha con”. Vâng, hết 5 phút mẹ con tôi ra về trong vui vẻ.
Dạy trẻ không tiết kiệm lời chào
Có một lần tôi đứng trong một đám đông, lúc đó, tôi tự hỏi mình một cách vô thức rằng có ai nhớ đến tôi không, có ai nhận ra tôi không? Vì vậy, tôi quyết định tôi phải “trả tự do” cho lời chào.
Tôi mỉm cười với mọi người mà tôi gặp. Tôi chào hỏi những người thân quen, những người hàng xóm và cả những người tôi không quen biết. Con gái tôi lớn lên, bắt chước cách tiếp cận của mẹ để làm quen với hàng xóm, chủ cửa hàng, chú bảo vệ trong công viên, và mọi người mà con bé gặp. Đây cũng là cách để tôi dạy con gái tự tin cùng với các kỹ năng xã hội khác. Đồng thời, tôi cũng có thể an tâm rằng có rất nhiều người ở trong thị trấn biết đến con gái tôi, quan tâm và để mắt đến con bé.
Thường xuyên mỉm cười và chào hỏi những người xung quanh là cách các bà mẹ Nhật Bản dạy con gái mình tự tin giao tiếp.
Giao tiếp bằng mắt với con
Trong nhà chúng tôi không có bàn ăn. Chúng tôi học các gia đình Nhật sử dụng Kotatsu – bàn sưởi truyền thống của người Nhật Bản. Đó là một chiếc bàn thấp, bằng gỗ, được bao phủ bởi chiếc futon - chăn kiểu Nhật, phía dưới gầm bàn có gắn một lò sưởi điện để giữ ấm đôi chân cho người sử dụng bàn. Mặc dù phiên bản bàn cao đã tồn tại, nhưng gia đình tôi luôn chọn sử dụng một chiếc bàn thấp, chiều cao của bàn phù hợp để vừa tầm người ngồi dưới sàn.
Tại sao chúng tôi cũng như nhiều gia đình ở Nhật khác lại chọn chiếc bàn thấp? Đơn giản một điều là khi cả nhà ngồi vào bàn thì tầm mắt của mọi người đều gần như là ngang nhau. Đây là một vấn đề lớn đối với một bé con có rất ít vốn từ. Ánh mắt là phương thức giao tiếp trong gia đình của chúng tôi.
Giao tiếp bằng mắt giúp trẻ cảm nhận được sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho trẻ.
Trong nhà không có TV
TV của nhà tôi bị hư trước khi con gái tôi tròn một tuổi. Chồng tôi đã nói rằng chúng tôi không cần mua một cái TV mới. Tôi đã đồng ý ngay tắp lự. Bởi vì cả ngày quay cuồng với một em bé đã khiến tôi đủ mệt rồi, không còn thời gian đâu để xem truyền hình. Tuy rằng chồng tôi là một người nghiện TV, anh ấy xem TV như một phương tiện giải trí, nhưng vì con nên trong nhà tôi không có TV.
Ngoài việc xem TV tốn thời gian và có thể khiến trẻ bị nghiện, cha mẹ Nhật còn ý thức rất rõ việc nếu cho con xem tivi quá sớm và quá nhiều thì cấu trúc của đại não sẽ bị phá vỡ.
Có thể mọi người sẽ nghĩ chúng tôi là gia đình “thời tiền sử”, không có TV, con của chúng tôi sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận với các thông tin khi bé bước vào tiểu học. Nhưng với chúng tôi, đó không phải là vấn đề. Hiện tại, con tôi đã học lớp 5, và con bé vẫn thường lên máy tính để tìm kiếm những thông tin mà con bé quan tâm, chứ không phải “ngồi đồng” và xem nó là công cụ giải trí.
Không chỉ trích lỗi lầm của con
Ai cũng mắc sai lầm và việc chỉ trích lỗi lầm không làm cho trẻ trở nên tốt hơn.
Cha mẹ thường kỳ vọng rất nhiều vào con cái của họ, và đôi khi vì kỳ vọng quá nhiều đã khiến họ thất vọng nặng nề bởi trẻ không đạt được những gì như họ mong muốn. Chỉ trích những lỗi lầm của con là vấn đề thường thấy ở các gia đình hiện nay. Nhưng tôi đã học được các mẹ Nhật quan niệm rằng ai cũng có sai lầm và việc chỉ trích những lỗi lầm của người khác không giúp họ tốt hơn. Thế nên, tôi nghĩ là bản thân mình cũng như gia đình mình cần được nghỉ ngơi bằng cách nhìn vào tất cả những điểm tốt mà mọi người đã làm được hàng ngày.