Ngày 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng đại học Harvard, sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên TP.HCM. Nếu bạn chưa có nhiều thông tin về người phụ nữ nổi tiếng này, bài viết sẽ giúp bạn!
Trên thế giới, có rất nhiều người phụ nữ tài giỏi và bản lĩnh. Và Drew Gilpin Faust, vị giáo sư 69 tuổi tài danh, là một "bông hồng thép" không thể lãng quên. Suốt thời thanh xuân sôi nổi và khi tuổi đã xế chiều, bà Faus luôn khiến thế giới phải nhắc đến tên mình vì nhiều lý do.
Năm 2007, ở tuổi 59, giáo sư Faust chính thức trở thành hiệu trưởng thứ 28 và là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị này của trường ĐH Harvard. Sự kiện ấy đặc biệt đến nỗi "người Harvard" gọi đó là ngày không thể quên.
Nhưng giáo sư Faust không sinh ra chỉ để làm hiệu trưởng trường đại học danh tiếng nhất hành tinh. Trước khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực, bà đã là một nhà Sử học tài danh.
Ở tuổi 21, cô gái đến từ vùng nông thôn tốt nghiệp Học viện nữ Bryn Mawr với kết quả xuất sắc. Sau đó, bà làm nghiên cứu sinh tại ĐH Pennsylvania vào năm 1975 lấy bằng tiến sĩ Sử học tại đây.
Năm 2001, giáo sư Faust được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp cao Radcliffe. Là một chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và là tác giả của 5 cuốn sách đã xuất bản, trước khi trở thành người của Harvard. Có thể nói, cả thời thanh xuân sống động của giáo sư Faus gắn liền với Sử học.
"Ai dám làm hiệu trưởng Harvard?", câu hỏi đầy lôi cuốn nhưng cũng ẩn chứa lắm thách thức trên đã được bà Faust giải đáp đầy thuyết phục trong bối cảnh sức ép về bình đẳng giới đè nặng lên vai người tiền nhiệm.
Trong "cuộc chạy đua" vào nơi hội tụ tinh hoa nhân loại, người phụ nữ bé nhỏ đến từ vùng nông thôn Virginia (Mỹ) đối mặt với nhiều đối thủ đáng gờm như chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 1997, nhà khoa học nổi tiếng, Hiệu trưởng trường Luật... Nhưng Harvard đã lựa chọn giáo sư Faust như một sự khẳng định hùng hồn với thế giới rằng: "Thế giới này không chỉ của đàn ông".
Thật ra, Harvard không phải là tác giả của câu nói đó, giáo sư Faust mới chính là người luôn đề cao vị thế của nữ quyền trong xã hội.
Nhưng cũng chính những đòi hỏi về nữ quyền ở thời thơ ấu, đã khiến bà bị những người xung quanh gọi là "kẻ nổi loạn nhưng xuất sắc ở trường". Còn đối với mẹ bà, người luôn muốn con gái tin rằng: "Thế giới này là của đàn ông. Càng sớm nhận ra điều này, con sẽ càng sớm tìm thấy hạnh phúc cho mình!", bà là một người khó hiểu nhất trần đời.
Thay vì nuôi chó hoặc mèo, cô bé Faust ngày ấy lại thích nuôi bò con, chơi với bạn người da màu, học khiêu vũ. Lên 9, Faust gửi thư cho tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lên án nạn phân biệt chủng tộc. Một việc mà chẳng bé gái nào ở thời ấy dám nghĩ đến, huống hồ là thực hiện.
Câu nói bật ra từ đáy lòng người phụ nữ 59 tuổi khi đứng trên đỉnh cao danh vọng tựa như bài diễn thuyết về nữ quyền được bà tóm lược và chuẩn bị trong suốt cuộc đời mình: "Tôi mong rằng việc bổ nhiệm tôi có thể tượng trưng cho sự mở đầu những cơ hội mà thế hệ trước không thể tưởng tượng nổi".
Ở tuổi xế chiều, vị hiệu trưởng đáng kính khuyên bạn trẻ chớ an phận và thỏa hiệp với khó khăn. Bà ví cuộc đời này như một bãi đỗ xe, và chúng ta chính là những người đi tìm chỗ đậu thích hợp cho mình.
"Nghĩa là bạn không nên đậu xe cách nơi cần đến sáu dãy nhà chỉ vì sợ không tìm được chỗ gần hơn. Hãy đi tìm chỗ tốt đã, nếu không có thì quay lại. Đừng thỏa hiệp nhanh quá, cũng đừng thỏa hiệp mà không có bằng chứng buộc bạn phải làm như thế", giáo sư Faust nói.
Ngày 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng đại học Harvard, sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên TP.HCM. Người phụ nữ tuyệt vời này sẽ nói với bạn trẻ Việt điều gì? Có bí quyết nào được chia sẻ để trở thành "kẻ nổi loạn xuất chúng" như bà? Đây quả thật là một điều đáng để chờ đợi và kỳ vọng.