Hàm lượng chất độc hại trong rau quả Thái Lan đang ở mức báo động
06/05/2016
| 57,1% các loại rau, quả được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn Q bị phát hiện chứa chất độc hại quá ngưỡng cho phép là thông tin mới nhất từ Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan.
Khảo sát của Thai-PAN tiến hành trên 138 mẫu rau và trái cây phổ biến ở Băng-cốc (Bangkok), Chiềng-mai (Chiang Mai) và U-bôn Rát-cha-tha-ni (Ubon Ratchathani) từ ngày 16 đến 18/3 vừa qua. Những mẫu này được gửi đến một phòng thí nghiệm ở Anh để kiểm tra, sử dụng phương pháp lọc dư lượng thuốc trừ sâu để kiểm tra 450 chất.
Hoa quả Thái Lan có dán nhãn Q.
Kết quả cho thấy, 57,1% mẫu xét nghiệm được dán nhãn Q của Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm và Sản phẩm Nông nghiệp Quốc gia (ACFS), tìm thấy hàm lượng chất độc cao.
Ngoài ra, 25% sản phẩm có chứng nhận hữu cơ (được coi là không sử dụng hoá chất) có dư lượng hoá chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Trong đó, ớt đỏ đứng đầu bảng các sản phẩm có dư lượng chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn với tỷ lệ 100%, tiếp theo là hung quế và đậu đũa (66,7%), cải xoăn Trung Quốc (55,6%), bắp cải Trung Quốc (33,3%), rau muống (22,2%), cà chua và dưa chuột (11,1%).
Tuy nhiên, 100% mẫu bắp cải không phải xuất xứ từ Trung Quốc không phát hiện hàm lượng hoá chất vượt quá quy định.
Đối với trái cây, tất cả mẫu cam và ổi chứa dư lượng các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn. Khoảng 71% thanh long, 66% đu đủ và 44% xoài Nam Dokmai cũng bị vượt quá mức cho phép. Các mẫu dưa hấu đều đạt chuẩn.
Cơ quan Nông nghiệp Thái vào cuộc
Trước nguồn thông tin này, Cơ quan Nông nghiệp Thái Lan (DOA) đã vào cuộc, DOA khẳng định, họ đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm tra dư lượng hoá chất trong các loại rau và trái cây trước khi cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ và Thực hành Nông nghiệp tốt (GAP).
Chứng nhận GAP được đưa ra sau cuộc kiểm tra an toàn hoá chất trên các sản phẩm tại trang trại và vườn cây ăn trái trong khi dấu Q được áp dụng trước khi sản phẩm được bán cho người tiêu dùng.
DOA cho biết trong một tuyên bố vào hôm 5/5 rằng trước khi cấp giấy chứng nhận GAP, nông dân phải gửi thông tin về cây trồng của họ về sở.
Nếu phát hiện có sử dụng chất độc hại trong sản xuất, DOA sẽ yêu cầu nhà nông phải khắc phục vấn đề trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu không thể khắc phục, cơ quan này sẽ không cấp giấy chứng nhận.
DOA cho hay, dù ảnh hưởng đến uy tín của việc chứng nhận sản phẩm song khảo sát của Thai-PAN giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Cơ quan này cũng sẽ theo dõi những loại rau và trái cây nhiễm độc mà khảo sát của Thai-PAN phát hiện. Bên cạnh đó, DOA cũng cho hay, họ đã tịch thu một lượng lớn thuốc trừ sâu nhập lậu trái phép vào nước này trong vài năm qua. Năm ngoái, một số nghi phạm bị bắt và bị buộc tội tàng trữ các chất dùng để sản xuất thuốc trừ sâu.