fda-hoa-ky-lan-dau-tien-trong-lich-su-thay-doi-quy-dinh-ve-nhan-thanh-phan-dinh-4187
FDA Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử thay đổi quy định về nhãn thành phần dinh
FDA Hoa Kỳ đã công bố những quy định mới về nhãn thành phần dinh dưỡng sau 20 năm không hề có bất cứ sự thay đổi nào. Nhãn mới này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 – 2018. Vậy, nhãn dinh dưỡng sẽ có những đặc điểm gì mới và nguyên nhân nào khiến FDA Hoa Kỳ phải thay đổi nhãn dinh dưỡng? Cùng tìm hiểu kĩ hơn trong bài viết ngắn sau đây.

Lý giải cho hoạt động bất ngờ này, FDA cho biết, những quy định về nhãn dinh dưỡng của Mỹ được xây dựng từ năm 1990, có hiệu lực từ năm 1995. Tức là đã khá lâu chưa có sự thay đổi. Trong khi đó, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt… của người Mỹ hiện nay đã không còn giống như 20 năm về trước. Do đó, để phản ánh các thông tin khoa học kĩ lưỡng hơn, bao gồm mối quan hệ giữa ăn uống và các bệnh mãn tính, béo phì, tìm mạch… nhãn dinh dưỡng bắt buộc phải có những sự điều chỉnh để giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng các sản phẩm phù hợp và có lợi cho sức khỏe.

Sự khác biệt giữa nhãn dinh dưỡng cũ và mới
Sự khác biệt giữa nhãn dinh dưỡng cũ và mới

Thiết kế của nhãn dinh dưỡng mới

FDA không thay đổi quá nhiều về thiết kế nhãn dinh dưỡng, về cơ bản, nó vẫn tương tự như nhãn cũ nhưng sẽ nhấn mạnh một số điểm quan trọng để người tiêu dùng dễ dàng nhận định được hàm lượng dinh dưỡng cũng như đặc điểm của sản phẩm. Cụ thể:

  • Chữ “Giá trị dinh dưỡng” (Calories) được tăng kích thước.
  • Chữ “Khẩu phần” (Serving size) được in đậm.
  • Số khẩu phần trong một đơn vị đóng gói (Servings per container) được phóng to hơn.
  • Tất cả các thành phần dinh dưỡng đều được quy ra gram và % giá trị dinh dưỡng hằng ngày (Daily Value - DV).
  • Chú thích ở cuối bảng được thay đổi nhằm giải thích rõ hơn về phần trăm giá trị hằng ngày như sau: “% giá trị hàng ngày cho bạn biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong một khẩu phần thực phẩm góp phần vào chế độ ăn uống hàng ngày. 2000 calo mỗi ngày được sử dụng để tư vấn dinh dưỡng nói chung.” Việc này giúp người tiêu dùng ước lượng được giá trị dinh dưỡng của sản phẩm đã đủ cho các nhu cầu của cơ thể trong 1 ngày hay chưa.
  • Đối với những sản phẩm có đơn vị đóng gói lớn hơn một khẩu phần ăn nhưng một người vẫn có thể ăn trong một lần thì trên nhãn dinh dưỡng mới bắt buộc có hai cột ghi rõ thành phần dinh dưỡng và %DV tính trên một khẩu phần và một đơn vị đóng gói.
FDA thay đổi một số chi tiết trong thiết kế của nhãn dinh dưỡng mới
FDA thay đổi một số chi tiết trong thiết kế của nhãn dinh dưỡng mới 

Nhãn dinh dưỡng mới phản ánh các thông tin mới về khoa học dinh dưỡng

FDA lại buộc nhà sản xuất phải thêm thông tin về đường bổ sung

Nếu nhãn dinh dưỡng cũ, nhà sản xuất chỉ cho biết lượng đường có trong sản phẩm thì với nhãn mới, họ phải trình bày cả lượng đường tổng (total sugar) và lượng đường bổ sung (added sugar).

Giải thích cho việc này, FDA đưa ra khuyến cáo trong các Hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng cho người Mỹ giai đoạn 2015-2020 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến khích tiêu thụ lượng đường bổ sung < 10% nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Các nghiên cứu của cơ quan này đã chứng minh, nếu lượng calorie được cung cấp từ đường bổ sung > 10% nhu cầu năng lượng hằng ngày thì các thành phần dinh dưỡng khác, kể cả vitamin và chất xơ, sẽ không được cung cấp đầy đủ. Việc này tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và FDA không cho phép điều đó xảy ra.

Cập nhật danh sách các chất dinh dưỡng thiết yếu hay được phép công bố:

Nhãn mới sẽ loại bỏ 1 số thông tin cũ như lượng calorie từ chất béo, vitamin A và vitamin C (hoặc đưa vào trên cơ sở tự nguyện). Thay vào đó là bổ sung lượng calorie từ vitamin D, Kali, Canxi. Nguyên nhân là do vào những năm 1990, chế độ ăn của người Mỹ không đủ vitamin A và C, còn hiện nay, lại thiếu vitamin D, Kali và Canxi.

Chất béo chuyển hóa (Trans-fat) được FDA quy định như thế nào?

Nhãn mới vẫn tiếp tục thể hiện hàm lượng “chất béo tổng”, “chất béo bão hòa” và “chất béo chuyển hóa” (trans fat). Trong đó, đáng lưu ý nhất là chất béo chuyển hóa vì theo quy định, nó phải bị loại bỏ khỏi sản phẩm nhưng thực tế là một số sản phẩm từ thịt và sữa vẫn có chứa hoạt chất này. Do đó, trên nhãn dinh dưỡng mới, FDA yêu cầu các nhà sản xuất các sản phẩm này vẫn phải cung cấp đầy đủ thông tin về tỉ lệ chất béo chuyển hóa để người tiêu dùng cân nhắc và lựa chọn sản phẩm.

Thay đổi hàm lượng dinh dưỡng hằng ngày của một số chất:

Hàm lượng dinh dưỡng hằng ngày của natri, xơ tiêu hóa và vitamin D được cập nhật lại dựa vào những đặc điểm trong Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2015 – 2020 từ Viện Y học Mỹ.

Cập nhật kích cỡ khẩu phần

Đây được xem là thay đổi lớn nhất trong nhãn dinh dưỡng mới mà FDA Hoa Kỳ vừa ban hành. Trên nhãn mới này, nhà sản xuất sẽ phải tính toán khẩu phần dựa trên lượng thức ăn một người thường ăn trong một bữa, thay vì chỉ dựa trên lượng thức ăn trong một bữa một người nên ăn như trước đây.

Kích cỡ khẩu phần của các sản phẩm cũng có sự thay đổi
Kích cỡ khẩu phần của các sản phẩm cũng có sự thay đổi

Sự thay đổi này xuất phát từ thực trạng, người tiêu dùng có thể ăn nhiều hơn khẩu phần ăn đề nghị ghi trên nhãn sản phẩm nhưng họ thường chỉ ước tính giá trị dinh dưỡng bằng một khẩu phần ăn. Ví dụ, trước đây, khẩu phần ăn được đề nghị đối với sản phẩm kem là ½ cốc (cup), nhưng nay tăng lên 2/3 cốc, bởi vì chúng ta có thể ăn được hơn nửa cốc kem một lần nhưng thường chỉ tính giá trị dinh dưỡng bằng một khẩu phần ăn (tức ½ cốc). (1 cup = 236,59 ml).

Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của một số sản phẩm sẽ bị giảm xuống. Sữa chua là một trong số đó khi khẩu phần trên nhãn sẽ giảm từ 8 oz xuống còn 6 oz (1 oz = 29,57 ml).

Những quy định mới này của FDA sẽ giúp những người muốn theo dõi lượng calorie và thành phần dinh dưỡng, thông tin trên nhãn sẽ phản ánh chính xác lượng thực phẩm họ thực sự tiêu thụ, thay vì lượng mà nhà sản xuất cho rằng họ nên ăn.

Thời hạn tuân thủ

FDA yêu cầu hầu hết các hãng sản xuất phải áp dụng quy định ghi nhãn mới chậm nhất vào ngày 26/7/2018, riêng các hãng sản xuất nhỏ sẽ được gia hạn đến năm 2019. Những sản phẩm muốn nhập khẩu vào thị trường Mỹ cũng phải đáp ứng những quy định mới này.

Không chỉ những nhà sản xuất sản phẩm phải theo dõi và nghiên cứu kĩ các quy định về nhãn dinh dưỡng mà các dược sĩ, cán bộ y tế cũng cần chú ý cập nhật các thông tin này nhằm đưa ra những khuyến nghị sử dụng sản phẩm, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cộng đồng. Bản thân người tiêu dùng cũng nên quan tâm đến nhãn dinh dưỡng mới để lựa chọn đúng các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của cơ thể mình. 

Nguồn fda.gov