da-xac-dinh-duoc-nguyen-nhan-ngao-chet-hang-loat-o-quang-ninh
Đã xác định được nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Quảng Ninh
Nguyên nhân của vụ việc ngao chết hàng loạt được sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh xác định là do mật độ nuôi thả quá dày, do thiếu thức ăn và do ô nhiễm môi trường...
Chiều hôm qua (28/4), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà tổ chức họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng ngao, nghêu (loài nhuyễn thể) nuôi chết hàng loạt tại huyện Hải Hà.
 
Đã xác định được nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Quảng Ninh
Vụ việc ngao chết hàng loạt ở Hải Hà, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh khẳng định: "Tình trạng ngao, nghêu chết hàng loạt ở 3 xã của huyện Hải Hà là do tổng hợp mật độ thả nuôi dày". 

Hơn nữa, ngao, nghêu đã đạt kích cỡ thu hoạch nhưng chưa thu hoạch, dẫn đến tình trạng ngao chết tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường cục bộ. 

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngao, nghêu chết hàng loạt là do thời tiết lạnh, thiếu thức ăn, vấn đề ô nhiễm môi trường…

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, mật độ thả nuôi của người dân từ 400-600 con/m2 là quá cao, gấp 5 lần so với khuyến cáo nuôi thả 80-90 con/m2 của Tổng cục Thủy sản.

Còn theo cơ quan Thú y Vùng 2, phải nhanh chóng khuyến cáo người dân ngừng thả nuôi và nhanh chóng thu gom vỏ ngao chết; thực hiện phun khử trùng vùng nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện tượng ngao, nghêu chết đã xảy ra từ tháng 10-12/2015 nhưng lúc đó chỉ lác đác ở một vài hộ nuôi ở xã Quảng Minh. 

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 tới nay, hầu hết trong số 80 hộ nuôi ngao tại xã Quảng Minh đều có ngao, nghêu bị chết. 

Gần đây, hiện tượng ngao, nghêu chết lan sang các xã Quảng Điền và Phú Hải của huyện Hải Hà.

Từ cuối tháng 12/2015 đến nay, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhiều lần lấy mẫu ngao tại các hộ nuôi đang có hiện tượng ngao chết gửi Cơ quan Thú y Vùng 2 xét nghiệm. 

Kết quả các lần xét nghiệp đều xác định nguyên nhân ngao chết không phải do bệnh ký sinh trùng Perkinsus thuộc danh mục bệnh.

Từ nhiều năm nay, các hộ gia đình ở Hải Hà nuôi ngao, nghêu tự phát với mật độ nuôi thả khá dày lên tới hơn 500 con/m2. 

Con giống nuôi thả được mua từ Trung Quốc và các tỉnh Nam Định, Thái Bình không được xét kiểm dịch và thường có kích cỡ khoảng 500-600 con/kg. 

Thậm chí, có nhiều hộ khi mua giống về, trước khi mang ra bãi thả đã chết đến 10% nhưng họ vẫn thả nuôi.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà cho biết, các khu nuôi ngao, nghêu xã Quảng Điền, Phú Hải không đủ điều kiện thuận lợi để nuôi thả, không nằm trong quy hoạch và đã được khuyến cáo không nuôi thả nhưng người dân vẫn thả giống với mật độ cao.

Theo quy hoạch, chỉ có xã Quảng Minh là nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể của huyện với tổng số 84 hộ nuôi, diện tích 176 ha. 

Tuy nhiên, thực tế người dân ở các xã Quảng Điền và Phú Hải đã tự ý nuôi thả nên nâng tổng diện tích nhuyễn thể ở cả 3 xã này lên tới 416 ha. 

Đến nay, ước tính thiệt hại của người dân 3 xã của Hải Hà khoảng 50-60% sản lượng ngao, nghêu nuôi thả.

Để hạn chế tình trạng này, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tuân thủ kỹ thuật nuôi trồng theo cách được hướng dẫn. 

Nên sử dụng con giống có nguồn gốc, có kiểm dịch và nên mua giống ở những nơi mà có trong danh mục mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo. 

Ngoài ra, không nuôi thả ngao tại các vùng không có điều kiện, không quy hoạch, đối với vùng nuôi quy hoạch nên thực hiện nuôi thưa mật độ phù hợp.