Có thể nhận thấy, khi xem trẻ con phương Tây ứng xử hoặc có cơ hội nói chuyện với chúng, hai cụm từ “Cảm ơn” và “Xin lỗi” thường xuyên được các em sử dụng. Với trẻ em nước ngoài, hai từ “Cảm ơn” và “Xin lỗi” dường như là câu nói cửa miệng thì trẻ em Việt Nam lại rất xa lạ và ngượng ngùng khi nói hai từ này. Điều đáng nói là ngay cả bật phụ huynh cũng rất khó hiểu, mặc dù đã dạy con rất nhiều để nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” nhưng con hoặc không thực hiện hoặc thực hiện một cách khá “gượng ép”. Rất nhiều bà mẹ thừa nhận rằng dạy con hiểu một phép toán, đọc được một bài thơ đơn giản hơn rất nhiều việc làm thể nào để con biết “Cảm ơn” khi cần và “Xin lỗi” đúng lúc.
Làm sao để dạy con xem “Cảm ơn” - “Xin lỗi” là một thói quen, là câu cửa miệng mỗi khi nói chuyện?
Cha mẹ là tấm gương đầu tiên để trẻ học theo
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con rất hay quan sát và bắt chước bố mẹ, ông bà trong cách nói năng, cư xử hàng ngày. Vì thế, nếu không làm một tấm gương sáng để trẻ noi theo thì các bậc làm cha làm mẹ không thể yêu cầu trẻ có được sự văn minh lịch sự trong giao tiếp.
Cha mẹ là tấm gương đầu tiên để trẻ học theo
Trẻ con phương Tây có một phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc từ khi còn bé bởi ngôn ngữ phương Tây có phần khách sáo hơn so với tiếng Việt và không có nhiều cách thức ngôn từ tùy hoàn cảnh, mức độ thân thiết như của người Việt. Thêm nữa, từ khi còn bé, trẻ con phương Tây đã được học và thực hành cách nói chuyện “lịch thiệp” từ ông, bà, cha, mẹ. Trong khi dễ thấy ở gia đình Việt, dường như bố mẹ ngại trao cho nhau những lời yêu thương, rất ít khi bố cảm ơn, xin lỗi mẹ hoặc ngược lại. Suy nghĩ vì quá thân nên không cần những câu “Cảm ơn” - “Xin lỗi” khách sáo lại vô tình đánh mất cơ hội học tập của con cái.
Nếu bạn chỉ dạy con mình là phải “Cảm ơn” khi được giúp đỡ và “Xin lỗi” nếu phạm sai lầm mà không thực hiện điều đó ngay tại gia đình, trẻ sẽ không thể nào tiếp thu được.
“Rèn” con nói “Cảm ơn” - “Xin lỗi” thật tự nhiên, chân thành
Hãy nhẹ nhàng hướng dẫn con trường hợp nào cần “Cảm ơn”, khi nào phải “Xin lỗi” để con hiểu ý nghĩa của 2 cụm từ này. Không nên thúc ép, bắt buộc con trong việc thốt nên lời “Cảm ơn” hay “Xin lỗi”. Điều này sẽ khiến trẻ thực hiện vì bị ép buộc, vì sợ sệt mà không có sự chân thành.
Khi trẻ xứng đáng được cảm ơn, cha mẹ đừng quên nói lời này với con, đây là lúc bạn giúp con hiểu rõ hơn hết ý nghĩa của lời “Cảm ơn”. Lúc con làm sai mà biết nói lời “Xin lỗi”, thay vì trách phạt, bạn hãy động viên và khuyến khích vì con biết nhận lỗi. Bởi nếu bị trách phạt, trẻ sẽ sợ và dần hình thành thói quen không dám nhận lỗi, xin lỗi vì sợ bị phạt.
Khi trẻ xứng đáng được cảm ơn, cha mẹ đừng quên nói lời này với con
“Cảm ơn” - “Xin lỗi” không đơn giản chỉ là lời nói cần dạy trẻ mà đây còn là nền tảng để xây dựng nhân cách trong tương lai. Nếu bạn đã dạy bé rất nhiều lần mà bé vẫn chưa có thói quen nói lời cảm ơn và xin lỗi khi cần, thì cũng đừng quát mắng, trách phạt và ép buộc con phải nói ngay. Bởi đó không phải lỗi ở bé mà là ở bạn, do chưa dạy trẻ đến nơi đến chốn. Nếu cố ép trẻ trong tình trạng trẻ không thích, không biết thì trẻ sẽ bị áp lực hoặc thậm chí có ấn tượng không tốt với việc phải nói lời cảm ơn, xin lỗi.